Cùng ELLE điểm qua top những bộ phim hay về cuộc sống đầy ý nghĩa và muôn màu muôn vẻ mà bạn nên xem ít nhất một lần trong đời.
1. Forrest Gump
Forrest Gump là một trong những bộ phim hay về cuộc sống truyền cảm hứng “tủ” của rất nhiều người trên thế giới, kể cả “cha đẻ” của Tập đoàn Alibaba Jack Ma. Một “chỗ dựa” để vực dậy và đứng lên cho tất cả những ai đang buồn bã, chán nản hay mất niềm tin vào cuộc sống. Forrest Gump (Tom Hanks) bẩm sinh là một đứa trẻ bất hạnh đã không có cha, còn bị thiểu năng. Anh luôn bị bạn bè cùng trang lứa trêu trọc, bắt nạt. Người bạn duy nhất của Forrest là Jenny, chính Jenny đã phát hiện ra những khả năng đặc biệt của anh. Tốt nghiệp đại học, Forrest nhập ngũ và tham chiến ở Việt Nam, Bubba trở thành bạn thân thứ 2 của anh. Forrest rời chiến trường với vết thương và khả năng chơi bóng bàn xuất sắc. Những biến cố nối tiếp nhau xuất hiện làm thay đổi hoàn toàn số phận Forrest. Sở dĩ bộ phim có sự kết nối mạnh mẽ với khán giả vì cuộc đời của Forrest là mảnh ghép của rất nhiều người Mỹ trong thập niên 60- 70 của thế kỷ trước. Đặc biệt trước tình yêu giản dị và chân thành mà Forrest dành cho Jenny với câu nói bất hủ: “Anh không phải là một người thông minh nhưng anh biết tình yêu là gì” luôn khiến bất cứ ai cũng phải rung động.
Hãy cùng Forrest đi hết cuộc đời anh từ lúc còn là một đứa trẻ cho tới khi lớn lên, chắc chắn bạn sẽ thấy cuộc sống hiện tại của mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều và đừng để sự tuyệt vọng lấn át nữa.
2. Schindler’s List – Danh sách của Schindler
Đạo diễn Steven Spielberg đã khắc họa chân thực và xuất sắc thời kì đen tối trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ II, khi người Do Thái bị tàn sát tàn bạo bởi chính quyền của Hitler. Bộ phim kể về Oskar Schindler (Liam Neeson), một doanh nhân người Đức đã dùng quyền lực của mình để cố gắng cứu sống hơn một nghìn người Do Thái Ba Lan trong nạn diệt chủng Holocaust bằng cách đưa họ vào làm trong các nhà máy của mình. Phim được hoàn tất trong thời gian 72 ngày. Với kinh phí 22 triệu USD, đây là bộ phim hay về cuộc sống đen trắng tốn kém nhất từng được thực hiện từ trước tới nay. Giành 7 giải Oscar, bao gồm cả Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, và Nhạc phim gốc hay nhất, cũng như rất nhiều giải thưởng khác.
Trong năm 2007, viện điện ảnh Hoa Kỳ AFI xếp hạng phim hay về cuộc sống đứng thứ tám trong danh sách 100 phim hay nhất của Hoa Kỳ trong mọi thời đại (lên một bậc so với danh sách năm 1998). Đạo diễn Steven Spielberg đã giữ đúng lời hứa, mọi lợi nhuận được hưởng theo sau sự thành công của bộ phim, đã được ông thành lập Quỹ tài trợ Survivors of the Shoah Visual History Foundation (Hình ảnh lịch sử của những nạn nhân sống sót sau nạn Diệt chủng Do Thái), một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu là lưu trữ những chứng cớ được quay thành phim của nạn nhân sống sót Holocaust.
Schindler’s List được đón nhận nồng nhiệt tại Israel, luôn được phát sóng trên truyền hình quốc gia hàng năm vào ngày tưởng niệm Holocaust, không bị lược bỏ, không bị kiểm duyệt và không bị cắt ngang bởi quảng cáo.
3. Life is Beautiful – Cuộc Sống Tươi Đẹp
Ra mắt năm 1997, bộ phim xoay quanh người đàn ông luôn có vẻ ngoài lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh Guido (Roberto Benigni thủ vai). Anh là một người Do Thái lên thành phố tìm việc vào năm 1939, ông vô tình gặp và yêu cô giáo Dora (Nicoletta Braschi) ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù Dora đã đính hôn với một người đàn ông giàu có, sự hài hước, những hành động cưa cẩm vừa liều lĩnh vừa thành thực, lại có đôi chút hồn nhiên đã giúp Guido có được trái tim của cô. Và cả hai nên duyên vợ chồng. Tình yêu của họ đơm hoa kết trái và cho ra đời bé trai Joshua (Giorgio Cantarini) kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc giản đơn ấy chẳng thể kéo dài được lâu trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa Phát-xít. Vào đúng sinh nhật, Joshua cùng Guido và người chú Eliseo bị quân lính đưa lên tàu vào trại tập trung những người Do Thái – nơi đồng nghĩa với cái chết. Yêu chồng, thương con nên dù là người Italy, Dora vẫn xin được lên cùng chuyến tàu tới địa ngục trên, tất cả chỉ để được gần gũi gia đình. Ở trại tập trung, nơi có thể khiến những người đàn ông can đảm nhất phải bật khóc, Guido bất ngờ nghĩ ra một cách để giữ cho tâm hồn non nớt của con trai Joshua không bị tổn thương. Ông nói dối cậu bé rằng toàn bộ những thứ liên quan tới trại tập trung này đều là một trò chơi và người chiến thắng với 1.000 điểm sẽ nhận phần thưởng là một chiếc xe tăng. Bất cứ hành động khóc, phàn nàn nào của Joshua đều sẽ khiến hai bố con bị trừ điểm. Một phim hay về cuộc sống, một câu chuyện cổ tích nơi lao tù đã được bắt đầu như thế…
Tuy không có một cảnh quay chiến trận nào nhưng khán giả vẫn cảm thấy được sự bạo tàn của chủ nghĩa phát-xít và thương tiếc những người vô tội đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai qua cách kế chuyện tinh tế của đạo diễn kiêm diễn viên Benigni.
4. The Pursuit of Happyness – Mưu cầu hạnh phúc
“The Pursuit of Happyness” là bộ phim hay về cuộc sống được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về Chris Gardner (Will Smith) – một nhân viên bán hàng không may gặp thất bại trong kinh doanh khiến nợ nần chồng chất, hạnh phúc tan vỡ, bị đuổi ra khỏi căn nhà thuê do không trả đủ tiền thuê nhà hàng tháng….
Cuộc sống trở nên đường cùng khi anh và đứa con trai 5 tuổi (Jaden Smith) buộc phải lang thang trên đường phố cả đêm hay phải bon chen giữa dòng người hướng về phía nhà thờ với hy vọng kiếm được một chỗ ngủ. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười khi anh giành được vị trí thực tập sinh tại một Công ty chứng khoán và bằng nỗ lực phi thường, Chris đã đánh bại mọi thử thách của cuộc đời để có được thành công như ý muốn.
Phim ca ngợi ý chí, niềm tin và sự vươn lên không ngừng của con người cũng như nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa thực sự của hạnh phúc.
5. 3 idiots – Ba Chàng Ngốc
Sẽ là đáng tiếc khi chưa từng xem qua bộ phim “3 idiots”, là một trong những bộ phim nổi bật nhất của điện ảnh Ấn Độ kể về 3 người bạn Farhan, Raju và Rancho. Mỗi người xuất thân từ một hoàn cảnh khác nhau và chính điều này khiến việc học của họ cũng có sự khác biệt. Rancho học hoàn toàn vì nhiệt huyết con tim trong khi Farhan học vì nguyện vọng của người cha và Raju học để giúp gia đình thoát nghèo. Bộ phim là câu chuyện cảm động về tình bạn, đồng thời khẳng định một bài học đắt giá “Đại học không phải là con đường duy nhất”.
6. The Help – Người Giúp Việc
“The Help” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nữ nhà văn Kathryn Stockett xuất bản năm 2009. Phim đem tới một cái nhìn tổng thể về xã hội Mỹ thập niên 1960 – khi nạn phân biệt chủng tộc ở giai đoạn mạnh mẽ nhất.
Được xoay quanh câu chuyện của ba người phụ nữ mang tính cách và số phận khác nhau, nhưng mối quan hệ của họ rất đặc biệt. Trở về quê nhà Jackson, Mississippi, sau khi tốt nghiệp đại học, Skeeter (Emma Stone), một cô gái da trắng đam mê viết lách, được nhận vào làm việc tại tờ Thời Báo Jackson. Phụ trách chuyên mục mẹo vặt và quét dọn, nên Skeeter phải nhờ cậy tới sự giúp đỡ của Aibileen, người giúp việc ở nhà cô bạn thân của mình. Lúc này câu chuyện lại chuyển hướng sang cuộc đời Aibileen và mối quan hệ tình cảm giữa bà vú da đen Aibileen (Viola Davis) và những đứa trẻ da trắng của chủ nhà cũng rất ấm áp, chính xã hội làm con người ta biết kì thị nhưng lựa chọn điều đó là do chính họ.
Sức hút của “The Help” chính là câu chuyện đầy tính nhân văn, cách kể chuyện lôi cuốn, dàn diễn viên tài năng và những khuôn hình đẹp, giúp truyền tải trọn vẹn khá toàn diện về giai đoạn lịch sử của những người giúp việc da màu bị những người chủ da trắng sở hữu. Họ nhận đồng lương rẻ mạt và bị kỳ thị đủ điều, và rồi sự im lặng đã bị phá vỡ để tạo ra bước ngoặt làm rung chuyển cả một thời đại.
7. To Live – Phải Sống
Không còn cách nào hay hơn việc mang đến ý chí, nghị lực sống cho con người bằng cách đưa ra những cái chết đau thương trước mắt họ, để mọi người trân trọng sinh mạng của chính mình.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựa trên tiểu thuyết Phải sống của tác giả Dư Hoa đã khắc họa về 40 năm cuộc đời của Từ Phú Quý (Cát Ưu), xuất thân trong một gia đình giàu có thời Dân Quốc, nhưng lại nghiện cờ bạc nên chẳng mấy chốc lâm vào cảnh trắng tay. Sau đó, trải qua cuộc Nội chiến Trung Quốc và chính phủ cộng sản nắm quyền, gia đình phải trải qua những biến cố thăng trầm để tồn tại trong một xã hội đầy rối ren và bất ổn. Dù được đánh giá cao về khía cạnh nghệ thuật và đạt được Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes 1994, bộ phim bị cấm chiếu tại Trung Hoa đại lục vì nội dung nhạy cảm, chỉ trích những chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không chỉ vậy đạo diễn Trương Nghệ Mưu bị tước quyền làm phim trong hai năm.
Mỗi một cảnh đời trong “To Live” của Trương Nghệ Mưu luôn có câu chuyện riêng, tất cả phải đối mặt với đủ đau khổ cay đắng nhưng luôn tự nhủ mình phải sống và sống cũng phải cần nghị lực.
8. Nobody Knows (Dare mo shiranai) – Không Ai Biết
Dựa trên những sự kiện có thật về bốn đứa trẻ bị bỏ rơi, “Nobody Knows” là tác phẩm kể về một người mẹ độc thân tên Fukushima Keiko chuyển đến căn hộ mới cùng cậu con trai 12 tuổi Akira (Yūya Yagira) và 3 đứa bé còn lại xuất hiện sau đó đều là anh chị em ruột cùng mẹ nhưng đều khác cha. Không lâu sau, người mẹ gặp được nhân tình mới và cô đã bỏ rơi đám trẻ. Chỉ để lại cho Akira một số tiền ít ỏi trong túi và phải chăm sóc cho các em. Vậy là bọn trẻ lâm vào hoàn cảnh biệt lập, không được đi học, ngày ngày cố trốn tránh chủ nhà để giữ bí mật về sự tồn tại của chính chúng, để không bị đưa vào trại trẻ mồ côi.
“Nobody Knows” là bộ phim hay về cuộc sống. Không có bạo lực, không có kịch tính hay những cảnh giật gân, nhưng vẫn cứa vào lòng khán giả với những vết dao đau nhói. Dường như điều khiến người xem đau lòng hơn cả từ câu chuyện dày vò này là việc bọn trẻ đang tự hủy hoại cuộc sống của chính chúng.
9. The Curious Case of Benjamin Button – Dị Nhân Benjamin
Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do nhà văn Mỹ F.Scott Fitzgerald sáng tác năm 1921. Bộ phim kể về nhân vật Benjamin Button (Brad Pitt), người sinh ra với cơ thể của một ông lão 80 tuổi và trẻ dần theo thời gian, bởi sự “ngược đời” mà ngay khi chào đời đã bị cha ruột bỏ rơi trước cửa viện dưỡng lão. Ben trải qua tuổi thơ cô đơn, chỉ biết làm bạn với mẹ nuôi – một bà nội trợ da đen và những ông lão, bà lão lẩn thẩn. Lớn lên, Ben tham gia thế chiến 2, rồi rơi vào lưới tình yêu với Daisy (Cate Blanchett), một cô gái trẻ đẹp, nhưng tình yêu đó cũng nhanh chóng bị những bất đồng trong suy nghĩ và số phận đẩy đưa cản trở. Đỉnh điểm của sự trái ngược này là khi Daisy trở thành bà cụ còn Ben lại là đứa trẻ, đến tận cuối đời Ben mới phải trải qua cảm xúc nổi loạn của lứa tuổi dậy thì, đó là sự cáu kỉnh, trầm cảm, hội chứng mất trí nhớ và bé lại giống như đứa trẻ sơ sinh qua đời trên bàn tay Daisy.
10. The Godfather – Bố Già
Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo, The God Father – Bố già được xem là phim Mỹ hay xuất sắc nhất mọi thời đại.
Vito Corleone (Marlon Brando) là ông trùm khét tiếng nhất tại Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, con trai út của ông – Michael (Al Pacino) sau khi trở về từ Thế chiến II quyết định không tham gia bất cứ phi vụ gì của gia đình. Nhưng trong đám cưới của con gái Vito, một trận chiến khốc liệt nổ ra trong thế giới tội phạm, Michael chứng kiến cha mình bị bọn mafia đối đầu ám sát. Tuy nhiên, cha anh đã may mắn thoát chết trong vụ ám sát này. Sau khi phá vỡ được kế hoạch ám sát lần thứ hai, anh quyết định đi báo thù cho cha mình. Nhưng cũng từ đây, Michael bước vào hành trình đầy máu và hiểm nguy, anh sẽ làm gì? Với tình tiết thắt nút, mở nút đan xen cũng như những màn đấu súng nguy hiểm, phim đưa người xem đến với thế giới tội phạm đầy bạo lực, tàn nhẫn với những vỏ bọc giả dối thông qua câu chuyện của một gia đình mafia gốc Italy ở New York.
“Bố Già” thu về 268 triệu đô la trên toàn cầu, giành 3 giải Oscar và luôn nằm trong số những bộ phim hay nhất của mọi thời đại.
11. Life Of Pi – Cuộc Đời Của Pi
Dựa trên tác phẩm bán chạy nhất của Yann Martel, “Cuộc Đời Của Pi” là câu chuyện phiêu lưu giả tưởng mang màu sắc thần thoại kể về chàng thiếu niên Pi Patel (Suraj Sharma) – con trai của một ông chủ vườn thú sống ở Pondicherry, India. Gia đình của cậu bé Piscine Molitor “Pi” Patel có một quyết định di cư qua biển Thái Bình Dương với vườn thú của mình, nhưng thật không may vì con tàu đã gặp sự cố và Pi là người duy nhất trong gia đình còn sống sót trên một chiếc xuồng cứu nạn cùng với 1 con linh cẩu, 1 con ngựa vằn, 1 con đười ươi và đặc biệt là 1 con hổ Bengal. Cuộc hành trình lênh đênh trên đại dương của Pi bắt đầu với những người bạn đồng hành bất đắc dĩ. Pi phải vận dụng hết kiến thức về động vật hoang dã và bản năng sinh tồn để chống lại bầy thú hoang, để sống sót và đối mặt với nỗi cô đơn, sự sợ hãi giữa mênh mông biển cả luôn rình rập hiểm nguy. Sau khi phát hành vào ngày 21/11/2012, bộ phim hay về cuộc sống thu về hơn 600 triệu USD trên toàn cầu. Phim đã đoạt được nhiều giải thưởng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85 cũng như giải Quả cầu vàng.
Qua ngôn ngữ của điện ảnh và công nghệ 3D kỳ thú, đạo diễn bậc thầy Lý An kể lại thành công câu chuyện phiêu lưu của Pi thật sinh động và đầy huyền ảo đến không tưởng.
12. Click – Cú Click Huyền Bí
Michael Newman (Adam Sandler) là một kiến trúc sư tham công tiếc việc, người không bao giờ có thể dành thời gian cho vợ (Kate Beckinsale) và hai con mình. Trong một lần tìm mua thiết bị điều khiển từ xa, Michael đã sở hữu một chiếc điều khiển thần kỳ có thể tạm dừng và nhanh chóng chuyển tiếp cuộc sống của anh. Nhờ có nó anh đã đến được với những khoảnh khắc mà anh mong muốn như khi được thăng làm Giám đốc điều hành công ty của mình. Nhưng khi chiếc điều khiển vượt qua ngoài tầm kiểm soát của anh, nó đã tự động lên bộ nhớ riêng và tự cho qua nhanh những khoảnh khắc thời gian thì Michael mới nhận ra mình đã bỏ lỡ những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc đời mình cùng với gia đình.
13. Bruce Almighty – Một Lần Làm Chúa
Bruce Nolan (Jim Carey) là một anh chàng luôn phàn nàn. Theo anh, đáng ra Chúa trời có thể thay đổi cuộc sống của anh, khiến nó trở nên tốt đẹp hơn nhưng lại không hề dang tay ra giúp anh. Sau một sự cố khiến Bruce bị đài truyền hình mình đang làm sa thải, anh đã phỉ báng Chúa trời trong sự tức giận. Bất ngờ, Đức Chúa trời (Morgan Freeman) đã hiện ra và cho anh quyền năng của đấng tối cao trong vòng 24 giờ để cho anh hiểu rằng quản lý một thế giới không phải điều dễ dàng. Với quyền năng trong tay, Bruce đã làm những chuyện điên rồ như kéo mặt trăng lại gần trái đất gây ra một trận thủy triều lớn tại Nhật Bản và đáp ứng tất cả mọi yêu cầu dù lớn hay nhỏ khiến cho cuộc sống của nhiều con người trở nên xáo trộn.
14. Into the Wild – Về Với Thiên Nhiên
“Into the Wild” xoay quanh nhân vật chính Chris McCandless (Emile Hirsch) và chuyến hành trình rong ruổi khắp mọi nẻo đường để về với thiên nhiên của anh. Cảm thấy cuộc sống bị chi phối quá nhiều bởi vật chất, đồng tiền và những định kiến sẵn có, Chris quyết định thoát ra khỏi thực tại bức bối và điểm đến mà anh lựa chọn là thiên nhiên hoang dã, nơi mà mọi thứ đều chất phác, nguyên sơ và không hề vị lợi. Trong cuộc hành trình dai dẳng và gian nan của mình, ở mỗi nơi mà anh đặt chân đến, những con người mà anh gặp gỡ, Chris đều truyền nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho những nơi đó, những con người đó để họ có thêm niềm tin bước tiếp con đường của riêng mình. Sau gần 2 năm rong ruỗi, Alex tới được khu rừng Stampede Trail ở Alaska. Ở đây, Alex tìm thấy một chiếc xe bus cũ bị hư, được cải tạo lại làm trạm dừng chân cho những thợ săn hươu. Ban đầu khi tới Alaska, Chris săn thú để làm thức ăn, nhưng sau vài lần giết chúng, Chris nhận thấy mỗi loài vật dù nhỏ bé cũng đều có quyền được sống, vì vậy anh quyết định ăn chay. Chris ở lại đây suốt 4 tháng, trong một lần bị sốt, mệt mỏi vì quá đói, Chris đi tìm trái rừng để ăn thì bị ngộ độc và qua đời ngày 18/8/1992, lúc 24 tuổi. Khoảng 2 tuần sau đó, những người đi săn tuần lộc phát hiện Chris nằm chết trên xe bus, khi thể trạng chỉ còn 30kg.
Into the Wild phản ánh đúng thực trạng của đại đa số bạn trẻ trong xã hội hiện đại, những người mất phương hướng, chán nản nhưng không dám thay đổi. Và nhân vật Chris McCandless như một tiên phong khi dám sống khác đi, tìm cho mình một con đường riêng, một lý tưởng cao cả nhưng cũng vô cùng lạ đời là về với thiên nhiên. Để rồi trải qua biết bao biến cố trên suốt cuộc hành trình gian khổ, Chris đúc kết được triết lý hạnh phúc thực sự là khi được sẻ chia.
15. 12 Years a Slave – 12 năm nô lệ
Dựa trên cuộc đời có thật của Solomon Northup (Chiwetel Ejiofor) một người da đen tự do, một nghệ sĩ violin đang sống hạnh phúc bên vợ và 2 con ở bang New York. Tai họa xảy ra khi Northup bị 2 kẻ xấu đánh thuốc mê rồi bị bán làm nô lệ vào năm 1841. Bị đối xử còn thua cả một con vật, và không có quyền phản kháng, phải lao động quần quật từ sớm tinh mơ và đến đêm ngủ cũng không yên, và cuối cùng anh đã được trả tự do sau 12 năm, tính chân thực và khả năng diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên là nhân tố giúp cho bộ phim “12 Năm nô lệ” trở thành một bộ phim Mỹ hay nói về chế độ nô lệ nói riêng và nhân tính, nhân quyền nói chung, những vấn đề vẫn còn nhức nhối trên thế giới ở thời điểm này.
Bộ phim cũng đã đem về giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cùng doanh thu 187 triệu đô khi được trình chiếu.
16. Departures – Người Đưa Tiễn
Ngay tên phim Okuribito (tiếng Anh: Departures) vừa có nghĩa “rời đi” lại vừa có nghĩa “khởi hành” đã chứa đựng các lớp nghĩa kép thú vị. Người phương Đông cho rằng, chết không phải là kết thúc tất cả mà chết chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới sang thế giới bên kia. Chính vì thế mà cần phải chuẩn bị tẩy uế, thay quần áo mới và trang điểm cho người chết trước khi lên đường. Công việc ấy đòi hỏi không chỉ sự tinh tế, cẩn trọng trong từng hành động mà còn cần hơn hết là tình yêu thương. Daigo là một nhạc công thất nghiệp, chuyển về sống ở vùng quê. Tại đây anh đã chuyển sang làm nghề khâm liệm và đã phải mất một thời gian để làm quen và học cách làm tất cả công việc của mình bằng tình yêu thương. Mỗi cuộc tiễn đưa đều mang đến cho anh những trải nghiệm và bài học mới về tình cảm gia đình. Có cuộc tiễn đưa trong im lặng, lạnh lẽo. Có cuộc tiễn đưa trong cay nghiệt, cãi vã và có cả những cuộc tiễn đưa hồn nhiên, thanh thản như một lời tạm biệt, chúc lên đường bình an. Daigo đã học cách vượt qua nỗi sợ hãi tầm thường ban đầu để biết trân quý và nâng niu những điều mình có, dù đó là người cha tàn nhẫn hay một gia đình không lành lặn mà anh đau đớn khi nhớ tới. Sau thời gian thích nghi với cuộc sống bất tiện ở thôn quê, chàng nhạc công thành phố không chỉ có nghề mới với lương ổn định, anh còn nhận ra cả ý nghĩa của cuộc đời mình.
“Departures” cho thấy cái cách người Nhật sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc kể cả cái chết, là cách họ tự tại và an nhiên đối diện với cuộc đời vô thường luôn đổi thay, khó đoán định.
17. Ilo Ilo – Người Mẹ Thứ Hai
Bộ phim hay về cuộc sống Singapore này bằng những cách rất tự nhiên và rất tử tế đánh cắp trái tim người xem. Chuyện phim kể về những khó khăn mà một gia đình công nhân viên chức nhỏ phải giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Bà Leng, đang mang bầu đứa con thứ hai, vì quá bận rộn với công việc nên không có đủ thời gian chăm sóc cho cậu con trai Jiale. Trước sức ép từ phía gia đình và nguy cơ mất việc ngày càng tăng cao, Leng đành bàn bạc với chồng để tìm một cô giúp việc nhằm giảm bớt gánh nặng. Cô giúp việc Terry (Angeli Bayani) người Philippines đã đối xử với Jiale như con trai, bởi bản thân cô cũng là một người mẹ, con trai chưa tròn một tuổi đã phải cắn răng nói lời tạm biệt, lặn lội sang tận nước bạn tìm kế mưu sinh. Nên cô vừa quan tâm chăm sóc, vừa răn đe dạy dỗ cậu bé. Kỳ lạ thay, một người phụ nữ không cùng huyết thống, không chung quốc tịch lại có thể thuần phục được “chú ngựa hoang” Jiale. Dù phải hi sinh rất nhiều thứ, nhưng Terry chưa từng một lần gục ngã dù hoàn toàn trơ trọi giữa miền đất xa lạ này. Bởi một lẽ giản dị như chính bộ phim, niềm tin là điều nuôi dưỡng sự sống.
“Ilo Ilo” bắt đầu bằng sự kiện ông ngoại Jiale vừa mới qua đời, nhưng kết thúc bằng cảnh bà Leng sinh hạ em bé, giống như một vòng luân hồi của cuộc đời. Hình ảnh ấy tượng trưng cho tất cả niềm tin và hy vọng của đất nước Singapore đều đổ dồn vào lớp thế hệ tiếp theo, những mầm non đâm chồi sau cơn bão.
18. Intouchables – Tình Bạn Và Địa Vị
Được làm dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim Pháp nhẹ nhàng, lạc quan và mang đầy tính nhân bản đã thu hút hơn 30 triệu người xem trên toàn thế giới. Kể về Philippe (François Cluzet) là một doanh nhân giàu có nhưng bị liệt tứ chi sau một tai nạn nhảy dù. Hàng ngày, Philippe cần có người phụ giúp trong sinh hoạt, từ việc di chuyển, ăn uống, cầm nắm cho tới vệ sinh thân thể. Một ngày, chàng thanh niên da màu Driss (Omar Sy) tới từ khu ổ chuột đến xin việc, chỉ với mục đích lấy đủ ba dấu và chữ ký để làm hồ sơ nhận tiền trợ cấp xã hội. Giữa hàng chục ứng cử viên khác, Philippe đã chọn Driss bất chấp sự can ngăn của người thân và bạn bè. Quyết định này đã thay đổi hoàn toàn số phận của họ và tạo nên một tình bạn đặc biệt giữa hai con người đối nghịch nhau hoàn toàn. Tình bạn tri kỷ của Philippe và Driss gợi nên những bài học nhân cách sâu sắc, mang đến sự lạc quan, nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống.
Điểm thú vị của phim “Intouchables”, đầu tiên là mang ý nghĩa ẩn dụ “không thể chạm đến”, ám chỉ những con người bị xã hội khinh thường, ghẻ lạnh. Và đưa hai nhân vật đối lập về xuất thân – một giàu có, tri thức, sành điệu, đến từ tầng lớp thượng lưu và một nghèo, cộc cằn, tệ nạn, ít học, thuộc thành phần dưới đáy xã hội – lại gần nhau.
19. Populaire – Cô Thư Ký Kì Lạ
Tạm gác lại những câu chuyện tình thời hiện đại, mời bạn quay về không khí những năm 1950 với nhạc cha cha cha, những quý cô tóc vàng mặc váy midi bồng bềnh và… máy đánh chữ!
Rose (Déborah François) tuy là cô thư ký hậu đậu vụng về, nhưng lại có tài đánh chữ siêu hạng. Chính vì thế, sếp cô – ngài Louis Echard (Romain Duris) quyết định đem cô nàng đi thi thố khắp mọi nơi. Thế là từ cô gái quê ở thị trấn Normandy, Rose tiến dần lên các cuộc thi cấp quốc gia, thế giới, nổi tiếng và trở thành một quý cô thanh lịch, được coi trọng như công chúa và tôn vinh.
Không chỉ là một bộ phim thuộc mô tuýp “nhân viên yêu sếp”, về thời trang những năm 50, Populaire còn là cả một câu chuyện phim hay về cuộc sống, về nữ quyền vì Rose dám phản kháng Louis mỗi lần anh chàng sếp kiêm người yêu quá độc đoán, thảo luận cùng anh chàng về những giới hạn trong mối quan hệ và cả vấn đề “chuyện đó” là không thể trước hôn nhân.
20. Collateral Beauty – Vẻ Đẹp Cuộc Sống
Howard (Will Smith) là một doanh nhân thành công của một công ty làm quảng cáo, là một người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp và bạn bè. Nhưng từ sau cái chết của cô con gái, Howard bắt đầu trở thành một kẻ mất hết niềm tin, lúc nào cũng u ám. Howard viết thư cho Thời Gian, Cái Chết và Tình Yêu trong những lúc bí bách nhất, cô đơn nhất. Và rồi một “vở kịch cuộc sống” đã được dựng lên trước mắt Howard mà anh không hề hay biết. Những Thời Gian (Jacob Latimore), Cái Chết (Helen Mirren), Tình Yêu (Keira Knightley) xuất hiện để đối thoại với anh, giúp anh tìm lại những giá trị quý giá bên cạnh.
Thông qua những hình ảnh ấn dụ sâu sắc đầy nhân văn về Thời gian – Tình yêu – Cái chết, bộ phim hay về cuộc sống Collateral Beauty – Vẻ Đẹp Cuộc Sống đã truyền tải những bài học về cuộc sống, chữa lành những tâm hồn đang tổn thương của chúng ta. Đôi khi chúng ta phải nhận ra rằng khổ đau cũng là một bài học, cái chết cũng chính là một quy luật tự nhiên, chấp nhận cái chết, tự hàn gắn nỗi đau và hãy can đảm nhanh chóng vượt qua tuyệt vọng và khổ đau là những gì chúng ta cần làm để có thể thấy được những khía cạnh tươi đẹp khác của cuộc sống.
Theo elle.vn
Xin chào! Tôi là HOTDEALTPHCM
Tôi thích ăn, đi du lịch, và ăn nhiều hơn nữa! Tôi kết hôn với người đàn ông trong mơ của tôi và có một cô gái nhỏ xinh đẹp với nụ cười có thể làm bừng sáng bất cứ ai trong ngày!